Tập đoàn Trung Nam đang đẩy mạnh tìm kiếm, đầu tư vào các các dự án điện mang tính bền vững và an toàn, đồng hành với Chính phủ và các nền kinh tế lớn trên thế giới vì mục tiêu phát triển năng lượng thân thiện môi trường.
Nhà đầu tư năng lượng tái tạo lớn nhất Việt Nam
Sự hiện diện của các doanh nghiệp tư nhân là dấu mốc quan trọng trên con đường phát triển các dự án năng lượng tái tạo của Việt Nam khi hầu hết dự án đều do tư nhân đầu tư. Trong đó, Tập đoàn Trung Nam (TNG) là doanh nghiệp có tổng số lượng dự án năng lượng tái tạo lớn nhất tại Việt Nam.
Đáng chú ý, bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, trong năm 2021 Trungnam Group đã đầu tư xây dựng cùng lúc 3 dự án điện gió lớn tại 3 địa phương khác nhau là Đăk Lăk, Trà Vinh, Ninh Thuận với tổng công suất lên đến 546.2 MW. Cả 3 dự án đều đã được hoàn thành vào cuối tháng 10, trong đó Dự án Điện gió Ea Nam (Đăk Lăk) trở thành Dự án nhà máy điện gió trên bờ có công suất lớn nhất Việt Nam hiện nay với 400MW; Dự án Đông Hải 1 Trà Vinh trở thành dự án điện gió trên biển lớn nhất với công suất 100MW. Nhà máy Điện gió Số 5 – Ninh Thuận đóng góp 46,2MW nâng tổng công suất của các nhà máy Năng lượng tái tạo của TNG tại Ninh Thuận lên con số 852,1 MW, TNG cũng là Doanh Nghiệp có đóng góp to lớn trong mục tiêu đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.
Tập trung vào phát triển năng lượng bền vững và an toàn
Theo các chuyên gia năng lượng, Việt Nam là đất nước có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, cho nên phát triển năng lượng tái tạo là hướng đi đúng đắn và cần thiết. Ngoài ra, trong bối cảnh các dự án điện than đang vấp phải nhiều sự phản đối, để có nguồn điện chạy nền, làm cơ sở để phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam cũng nên gia tăng đầu tư vào các dự án nhiệt điện khí – nguồn điện được đánh giá là thân thiện với môi trường hơn nhiều so với nhiệt điện than.
Thực tế, tại dự thảo quy hoạch điện 8, Bộ Công Thương đã tính toán gia tăng đáng kể tỷ trọng điện khí trong tổng công suất nguồn điện. Theo đó, đến năm 2025 công suất nhiệt điện khí (tính cả LNG) là 14.117 MW, chiếm tỷ lệ 13,4-13,7%; công suất nhiệt điện khí đến năm 2030 tăng rất mạnh, tăng lên đến 27.471-32.271 MW, chiếm tỷ lệ 21,1-22,4% tổng công suất. Đến năm 2045, công suất nhiệt điện khí tiếp tục tăng lên, chiếm tỷ lệ 23,5-26,9%. Đây là hướng đi phù hợp với xu hướng chung của thế giới, góp phần gia tăng nguồn điện thân thiện với môi trường hơn trong hệ thống điện Việt Nam.
Song song đó, Tập đoàn Trung Nam cũng đang chủ động làm việc với các đối tác để xây dựng những biện pháp lưu trữ năng lượng hiện đại, những cách thức quản lý nguồn năng lượng được khai thác để tối ưu hóa giá trị và hướng đến mục tiêu xuất khẩu năng lượng trong tương lai.
“Việc phát triển điện khí LNG tại các địa phương là một bước đi mới để thấy rằng TNG rất tâm huyết với việc tìm kiếm, đầu tư vào các nguồn năng lượng mang tính bền vững và an toàn, đồng hành với Chính phủ và các nền kinh tế lớn trên thế giới hướng tới nguồn năng lượng thân thiện với môi trường”, lãnh đạo Trung Nam nhấn mạnh.